Thứ Hai, 2 tháng 11, 2015

NHẬT KÝ ĐI CAMPUCHIA 4 NGÀY 3 ĐÊM

PHẦN 1: NHỮNG THÔNG TIN CẦN BIẾT



       1.      Lịch trình dự kiến

Với 4 ngày 3 đêm cho chuyến đi, lịch trình dự kiến như sau:
Lịch trình dự kiến của chuyến đi Campuchia như sau:
+ Ngày 1: bắt xe bus sáng từ Sài Gòn sang Phnom Penh, chơi loanh quanh PP xong bắt bus đêm đi Siem Riep.
+ Ngày 2: dành cả ngày tham quan cụm quần thể di tích Angkor Wat. Tối về đi chợ đêm Night Street Market.
+ Ngày 3: tiếp tục đi Angkor Wat (nếu còn sức). Không thì thăm một số chùa ở Siem Riep. Thưởng thức ẩm thực tại đây. Tối bắt xe bus đêm về lại Phnom Penh
+ Ngày 4: tham quan một số điểm tại Phnom Penh: Cung điện Hoàng gia, Wat Pho, Chợ trung tâm, đi dạo ven bờ sông…
+ Ngày 5: sáng bắt chuyến xe sớm về lại Sài Gòn.
Tất nhiên, đây là trong trường hợp mọi thứ đều “khớp” với nhau một cách trôi chảy, suôn sẻ. Chuyến đi của tôi có lẽ kém một chút may mắn vì lịch trình đều trật lất, nhưng chung quy lại: những điểm cần đi đều đi được. Thế là đã vui vẻ lắm rồi.

      2.      Di chuyển
Vì mình chỉ định tham quan 2 điểm: Phnom Penh – Siem Riep nên cũng chỉ tìm hiểu cách di chuyển giữa 2 địa điểm này thôi. Giữa các địa điểm (Saigon, Phnom Penh (PP), Siem Reap (SR) thì di chuyển bằng xe bus, còn di chuyển gần trong các địa điểm, chẳng có gì hơn Tuk tuk cả.
Thường có các tuyến bus sau giữa 2 địa điểm trên nếu đi từ Sài Gòn
+ SG – PP ( ngược lại): 8 – 10$, thời gian di chuyển thông thường: 6 – 8h
+ PP – SR ( ngược lại): 8 – 15$, thời gian di chuyển thông thường: 7 – 8h
+ SG – SR ( ngược lại): tuyến đi thẳng: 20$, tuyến “chuyển xe” ~ 15-16$. Nói là đi thẳng, nhưng thực ra cũng nghỉ ở Phnom Penh một chút, tuyến này đắt hơn 2 tuyến riêng lẻ (SG – PP và PP – SR)vé đi thẳng, thì sẽ chắc chắn mình được đi sớm, không phải đợi.
Bạn hãy chọn book vé ở đại lý của hãng xe chứ đừng book vé qua nhà nghỉ/khách sạn, thường họ báo giá cao hơn. Xe bus Sài Gòn – Phnom Penh nhiều, ngày nào cũng có xe chạy. Trung bình một ngày một hãng có khoảng 3 – 4 chuyến xe. Để mua vé xe bạn hãy lên các đại lý dọc tuyến đường Phạm Ngũ Lão ở quận 1, đây là khu vực Tây ba lô nên có những dịch vụ du lịch khá tiện lợi. Lượn một vòng các đại lý, tôi nhận thấy giá vé xe không chênh lệch nhiều, dao động trong khoảng từ 8 – 10 đô/vé/chiều tùy chất lượng xe (tất nhiên tùy cả vào dịp cao điểm hay thấp điểm nữa)
Một số hãng xe mình biết;
+ Hãng xe Việt Nam: Sapaco, Mailinh, Phương Trinh…
+ Hãng xe nước ngoài:  Giantibus (vé đắt nhất, thấy các bạn tây-ba-lô toàn đi xe này), Sorya, Capitol, Kumho, Paramount, Mekong, Vica Thai (tuyến bus đêm, không khuyến khích vì phải chờ ở Mộc Bài khá lâu và review cũng không cao), Virak…
Lưu ý: khi mua vé bạn nhớ hỏi đại lý xem xe sẽ thả bạn ở đâu tại Phnom Penh, vì đợt mình đi thì xe thả ở ngay trung tâm nhưng có bạn xe lại thả ở chỗ cách trung tâm gần 10km liền
3.      Mua sim, đổi tiền, trả giá
+ Mua sim:
Lúc ở cửa khẩu mình cũng được những người bán hàng rong mời mua sim với giá 1,5$ nhưng không mua: phần vì sợ xe chạy không có thời gian hỏi nhiều về cách cài đặt sử dụng mạng, phần vì không được tin tưởng lắm. Mình định để đến Phnom Penh thì mua luôn tại cửa hàng sim thẻ cũng được.
Lúc mua sim người bán hàng bảo mình không bao giờ nên mua sim ở cửa khẩu. Giá ở đấy cao hơn: 1,5$họ bảo bạn là tài khoản 3-4$ và gọi về Việt Nam được. Thực chất 3-4$ là tài khoản nội mạng, ngoại mạng được có 0.2$ gì đó, gọi về Việt Nam chẳng được mấy. Ở PP, cái sim tương tự chỉ có 1$ thôi, đặc biệt là khu Central Market, gần khu Sorya Shopping Center, đầy chỗ bán sim.
Mình chọn mua sim Metfone vì thực ra đây là nhà mạng Viettel của VN ở Campuchia. Mình nhờ người bán kích hoạt sim, nạp thẻ, cài đặt 3G. Nói chung là sau khi test xong xuôi hết mình mới rời đi. Gà nên phải cẩn thận, hehe.
+ Đổi tiền:
Tiền Campuchia là Riel (đọc là ri-a). 1.000 riel ~ 5.500 vnd ~ 0,25 usd. Campuchia là đất nước có chế độ tiền tệ linh hoạt: bạn hoàn toàn có thể dùng được cùng lúc cả usd và riel lúc mua bán. Nhưng nhớ lưu ý là bên họ không chấp nhận tờ 2$ đâu nhé. Mình cũng không rõ tại sao, nhưng lúc đi mua bất cứ thứ gì, tuyệt nhiên số tiền họ trả lại không có tờ 2$. Ở Việt Nam tờ 2$ mang nghĩa may mắn nhưng chắc bên họ thì ngược lại chăng?
Bạn nên tránh đổi tiền ở cửa khẩu, vì ở đây tỷ giá thường thấp hơn so với thông thường, và ở cửa khẩu Bavet tiền Việt vẫn được chấp nhận. Nếu bắt buộc phải đổi cho những chi tiêu cá nhân, bạn nên ước lượng số tiền cần đổi vừa phải, sau đó khi đến PP hãy đổi tiền thì sẽ có lợi hơn. Ở PP hầu như nhà nghỉ, khách sạn nào cũng có dịch vụ đổi tiền hết. Không có sự chênh lệch tỷ giá nào quá lớn nên bạn cứ yên tâm đổi nhé.
+ Trả giá:
Trả giá cũng một trải nghiệm thú vị ở Cam. Dân Cam cũng nói thách chả khác gì dân mình luôn (mà hình như dân nào cũng thế hết á), dễ thấy nhất là quần áo, giày dép, đồ lưu niệm, hoặc xe Tuk Tuk. Tuy nhiên, được cái là trả giá không được thì thôi, không bắt ép mua, không có chửi rủa, đốt vía như ở VN.
Kinh nghiệm thực tế của bọn mình:
+ Ở Siem Reap, cái áo ba lỗ con voi selfie hay tương tự: 2$ (họ chào giá 4$)
+ Ở Central market tại PP: cái khăn rằn: giá 2$ (chào giá là 4$), mình mua tận 2 cái vì chất khăn rất thích, màu lại đẹp nữa, áo có biểu tượng Starbuck: 2.5$ (chào giá: 5$), áo Thái chất lượng tốt hơn, nhìn sờ vải cũng thấy liền: 7-7.5$ (chào giá: 9$, chỗ thì 10$, chỗ thì chào 15$)
Ngoài ra với những thứ nhỏ nhỏ kiểu quà vặt, nước uống… bạn nên trả giá bằng riel sẽ có lợi hơn là usd.
4.      Ăn những gì, chơi ở đâu
+ Ở Phnom Penh: Những địa điểm tham quan nổi bật như:
-         Cung điện Hoàng Gia: giá vé 6$/người. Mở cửa các ngày trong tuần. Vào ngày rằm, Hoàng gia tổ chức nghi lễ Fullmoon nên không tiếp đón khách du lịch trong một buổi sáng hay chiều là tùy vào quy định của họ. Lưu ý khi đi vào Cung điện: ko mặc váy (bất kể dài hay ngắn), ko mặc quần ngắn, ko mặc áo sát nách. Kể cả khi bạn đã trót mặc những đồ trên và định cuốn xà rông để che tay/chân, họ vẫn không chấp nhận. Bạn bắt buộc phải ăn mặc cẩn thận, lịch sự và kín đáo. Gần quầy vé họ có thêm quầy bán áo phông trắng in hình Cung điện Hoàng gia, bạn có thể mua với giá 3$ nếu chẳng may “sa cơ lỡ bước”.
-         Chùa Phật ngọc (người Việt hay gọi là chùa vàng chùa bạc – vì ngày xưa bên trong chùa có rất nhiều vàng bạc): nằm trong khu Cung điện Hoàng gia nên không phải mua vé. Chùa phân làm 2 lối vào và ra rõ ràng, có người đứng nhắc nhở nên bạn chú ý chút nhé.
-         Quảng trường đi bộ trước cung điện và ngay bên cạnh bờ sông: rất đẹp và thoáng. Ở đây người ta hay dụ chim bồ câu ăn để khi cả đàn bồ câu chao liệng, người ta có thể chụp những bức ảnh đẹp và tự nhiên nhất.
-         Chùa Wat Pho: giá vé 2$/người. Chùa đẹp nhưng có vẻ hơi nhàm chán. Chùa không có kiến trúc gì nổi bật trừ chiếc đồng hồ cỏ. Chùa nằm trên một vị trí cao ráo và rợp bóng cây, rất mát mẻ và khá yên tĩnh (nếu ko có đám du khách tung của ồn ào kia).
-         Mua sắm và ăn uống ở: Sorya Shopping Center, Central Market…
+ Ở Siem Riep: Điểm thu hút khách du lịch nhất:
-         Quần thể di tích Angkor Wat: không phải nói nhiều về di tích này nữa vì nơi đây quá nổi tiếng với lối kiến trúc Khmer đặc trưng rồi. Vé vào cửa là 20$/ngày, 40$/3 ngày, 60$/7 ngày. Thời gian tham quan từ 5h – 18h hàng ngày. Thông thường để thăm hết các ngôi đền chính và đặc trưng của khu quần thể này, bạn thường phải mất 2-3 ngày. Nhưng nếu thời gian chỉ cho phép bạn 1 ngày ở đây, tôi tin là bạn cũng có thể thăm một số ngôi đền nổi tiếng.
-         Thánh địa Banteay Srei & Suối ngàn Linga: nếu ở Siem Riep khoảng 4 – 5 ngày thì ngoài Angkor Wat, đây cũng xứng đáng là nơi bạn nên bỏ thời gian tham quan.
5.      Những thông tin khác
+ Khí hậu Campuchia khá giống với khí hậu miền nam Việt Nam. Theo Lonely Planet thì tháng 11 – 2: mùa mát, ít mưa, thích hợp để du lịch; tháng 36: mùa Tết ở Cam, nhưng nhiệt độ nóng nhất trong năm, có lúc lên 40 độ (hell yeah: mình đi đúng dịp ghê :D); tháng 7 – 10: mùa mưa. Dù vậy mình nghĩ nếu muốn đi, bạn vẫn có thể đi bất cứ lúc nào cũng được. Campuchia vừa gần mình, lại có Di sản thế giới Angkor Wat, thực sự rất đáng để đi.
+ Mang gì khi đi: tùy nhu cầu của mỗi người, nhưng một đứa tối giản như mình thường sẽ “chỉ” mang những thứ sau: 3 áo 2 quần (mang ít thôi, sang đấy mua tiếp); 1 tông; khăn tắm; đồ dùng cá nhân như: kem chống nắng, kem chống muỗi, son…
+ Nguồn điện bên đó cũng có hiệu điện thế 220V. Mình phải hỏi kỹ nhỡ trường hợp nguồn điện không tương thích, không có gì để sạc máy ảnh điện thoại thì vỡ alo.
+ Người Campuchia rất hiền lành và mến khách. Khi đi tuk tuk bạn cứ chọn người nào trông đen đen bẩn bẩn mà đi, họ lành và thật thà, vui vẻ lắm. Còn những anh chàng nào mà trông trắng trắng (giống người Việt) thì bạn phải hỏi thật kỹ giá mới nên đi. Mình có kinh nghiệm vụ này rồi, tí nữa kể nha.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét